Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng ông táo đầy đủ năm 2019

Người Việt xưa quan niệm rằng, gia đình nào cũng cần có vị thần bếp (hay còn gọi là thần Táo quân) trông nom cuộc sống. Thần Táo quân gồm ba vị định đoạt phước cho gia đình: một bà Táo và hai ông Táo (gồm Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần và Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân). Nhờ đó, mọi phước đức ít hay nhiều mà gia chủ có được do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong gia đình.

Theo tục lệ cổ truyền, hằng năm, cứ đến 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì vậy, khoảng Rằm tháng Chạp trở ra, mọi gia đình bắt đầu chuẩn bị bày biện, lau dọn bàn thờ và chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo về chầu trời!

Với mỗi vùng miền lại có mâm lễ cúng khác nhau.  Để chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình có thể tham khảo những gợi ý sau.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO

Thao dân gian, Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng. Hằng ngày, Táo quân ghi lại những công tốt, công xấu của mọi người để đến cuối năm trở về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Vì vậy, để được Táo Quân phù trợ vào ngày 23 tháng chạp người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời.

LỄ VẬT CÚNG ÔNG TÁO

Lễ vật cúng Táo công truyền thống gồm có mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà.

Màu sắc của mũ, áo hay hai ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, ở miền Bắc người dân còn cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa rồng” đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh (thả ra ao, hồ, sông) sau khi cúng.

MÂM CỖ CÚNG ÔNG TÁO

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.

Một mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường bao gồm:

  • – 1 đĩa gạo
  • – 1 đĩa muối
  • – 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
  • – 1 bát canh mọc hoặc canh măng
  • – 1 đĩa xào thập cẩm
  • – 1 đĩa giò
  • – 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
  • – 1 đĩa chè kho
  • – 1 đĩa hoa quả
  • – 1 ấm trà sen
  • – 3 chén rượu
  • – 1 quả bưởi
  • – 1 quả cau, lá trầu
  • – 1 lọ hoa đào nhỏ
  •  – 1 lọ hoa cúc
  • – 1 tập giấy tiền, vàng mã
  • – Cá chép sống

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo, nhiều người thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc chủ động thay những món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi vò, canh bóng, hành muối, thịt đông, thịt kho, cá kho riềng,… hoặc các gia vị mắm muối, trà, hoa,….

Ngoài ra người dân còn chuẩn bị 2-3 con cá chép thả trong chậu nước cúng cùng các lễ vật khác. Sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh ở ở sông, ao nghĩa là đưa ông táo về trời. Phóng sinh cá chép ngày lễ Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.

Trong ban thờ, ngoài các lễ vật, các gia đình cần chuẩn bị văn khấn Nôm cúng Táo Quân và hương nhang đầy đủ. Mâm lễ vật chủ yếu là lòng thành, vì thế nếu gia đình không có điều kiện, có thể giản lược bớt miễn sao đủ 3 đồ lễ và mỗi bát hương phải đủ một nén.

THỜI GIAN, CÁCH THỨC CÚNG ÔNG TÁO

Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo thường được cúng vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Gia chủ dù vướng bận công việc quan trọng cũng phải hoàn thành lễ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên Thiên đình.

Đại đức Thích Chúc Tiếp cho biết: “Theo quan niệm giờ đẹp nhất để cung tiễn Táo quân về trời là giờ Ngọ (từ 11 – 13h) tức giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng và đó cũng là giờ chư Phật thụ lộc”.

VĂN CÚNG ÔNG TÁO VỀ TRỜI

Bài cúng ông Táo 23 tháng Chạp theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

CÚNG ÔNG TÁO Ở ĐÂU?

Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngày 23 tháng Chạp hay ngày ông Táo về chầu trời còn được xem như ngày cúng gia tiên, tất niên cuối năm. Đây là lễ mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết Nguyên đán của người Việt, kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng. Sau khi tiễn đưa ông Táo, mọi người thường bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa… chuẩn bị năm mới.
Theo phong tục cổ truyền, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân bao gồm 2 ông và một bà cũng là tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt ngày xưa. Người xưa quan niệm, gia đình có yên ấm, hạnh phúc hay không cốt yếu là ở cái bếp bởi đó là nơi giữ lửa. Táo quân là người biết hết mọi chuyện lớn bé, xấu tốt trong nhà gia chủ.

Hàng năm, cứ 23 tháng Chạp là Táo quân lại cưỡi cá chép lên Thiên đình bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt, xấu trong năm của từng nhà. Đồng thời, thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành. Vì vậy, gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ để tiễn các Táo lên chầu Trời.

Nói về việc cúng Táo quân nên ở bếp hay ban thờ gia tiên, Đại đức Thích Chúc Tiếp cho rằng, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.

Hiện ở một số chùa lớn cũng thường có ban thờ riêng cúng Táo quân. Xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi đặt ban thờ riêng các Táo. Song ngày nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, nhiều nhà không có ban thờ riêng ông Táo. Với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cũng chia sẻ về vấn đề này. Theo đó, các gia đình thường cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

DỌN BÀN THỜ CÚNG ÔNG TÁO LÚC NÀO ?

Nhiều người thường quan niệm, chỉ được dọn ban thờ và tỉa chân nhang sau ngày 23 tháng Chạp khi mà các ông Công ông Táo đã về trời. Tuy nhiên, thực tế thì việc dọn dẹp ban thờ là cách bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên (cũng giống như chúng ta được ở trong một ngôi nhà khang trang sạch sẽ), vì vậy công việc này cần phải được làm thường xuyên, chứ không phải đến ngày 23 mới tiến hành dọn dẹp.

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương: “Với kinh nghiệm nhiều năm, tôi cho rằng, nếu trong năm chân hương quá um tùm chúng ta hoàn toàn có thể chọn những ngày cát lành trong năm để tỉa bớt, điều này giúp tránh hỏa hoạn khi thắp hương. Hơn nữa, chỉnh trang lại bát nhang đẹp đẽ để tỏ lòng thành với tiên tổ cũng là điều nên làm. Trong trường hợp không quá nhiều chân hương thì có thể làm vào dịp cuối năm theo lệ cũ phép xưa.”

CÁCH LAU DỌN BÀN THỜ ĐỂ KHÔNG BỊ “TÁN LỘC, ĐỘNG TÀI”

Không chỉ ở trong không gian gia đình mà trong các đền chùa, miếu mạo, việc lau dọn ban thờ cũng thường xuyên phải làm. Trong tín ngưỡng gọi là lễ “mộc dục” (lễ tắm rửa cho tượng). Việc này được diễn ra trong những không gian riêng như hồ bán nguyệt, bến nước riêng.

Còn lễ trong gia đình gọi là lễ “bao sái” (lễ tẩy rửa). Lúc này, người ta lau dọn sạch sẽ tất cả những vật thờ tự. Theo quan niệm cổ truyền, việc này là việc của đàn ông, nam giới trong nhà. Nhưng ngày nay, phụ nữ hay đàn ông đều có thể làm công việc này.

Trước khi dọn dẹp ban thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.

Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước.

Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng. Ngày nay đa phần mọi người đều rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”. Vì vậy người ta dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.

Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”. Nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức “tiền ra thì nhiều mà tiền vào thì ít”.

Ngày nay có nhiều người đem tro bát hương đổ cũ ra sông, thay vào bát hương tro mới, nhưng người xưa thì dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ không đổ đi. Việc lọc tro cũng phải bắt đầu từ bát hương thờ thần phật trước rồi mới đến bát hương thờ tổ tiên.

Sau khi lau rửa sạch sẽ, người ta sẽ đem bài vị thần Phật và tổ tiên đặt lại chỗ cũ và công đoạn này cũng rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.

Đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng/bài vị thần Phật và bát hương sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian:

– Que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt.

– Que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng đều là tháng tốt.

– Cây thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc “nhật nhật thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt.

– Cây thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt.

Cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà cô tổ cũng làm như vậy.

CÁCH HÓA CHÂN HƯƠNG SAU KHI RÚT TRONG BÁT HƯƠNG

Sau khi dọn bát hương có thể tỉa bớt chân hương nhưng phải để lại ít nhất 3 – 5 – 7 hoặc 9 cây. Chân hương đã tỉa ra, cần đem hóa và thả tro xuống sông, suối hoặc để bón cây, không nên đổ lung tung.

CÓ NÊN CÚNG CÁ CHÉP CHO ÔNG TÁO

Cá chép là lễ vật không thể thiếu trong ngày cúng ông Công ông Táo. Cá chép từ xưa đến nay được xem là “phương tiện” để ông Táo cưỡi về trời. Đây là hình ảnh tượng trưng cho “vượt vũ môn hóa rồng” – biểu tượng của sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, kiên trì, bền bỉ trong mọi việc. Và đây cũng là loài cá quen thuộc trong cuộc sống người Việt.

Bạn có thể dùng cá giấy hay cá thật cũng được, không sao cả. Tuy nhiên, nếu đã chọn cá thật, bạn phải chọn con màu đỏ, khỏe mạnh. Số lượng cá cần thiết là 3 chứ không phải là 1. Tuyệt đối không được chọn con yếu, lờ đờ. Khi thả cá xuống để phóng sinh, bạn nên nghiêng thau đựng cá từ từ xuống mặt nước, đừng thả, ném từ trên cao xuống, cũng không nên dùng tay vớt cá ra. Tuyệt đối không ném cả túi cá xuống sông, hồ vì đó là cách bạn làm ô nhiễm môi trường, làm xấu đi hình ảnh phóng sinh cá.

Khi thả cá xuống để phóng sinh, bạn nên nghiêng thau đựng cá từ từ xuống mặt nước, đừng thả, ném từ trên cao xuống, cũng không nên dùng tay vớt cá ra. Sau khi khi thả cá xuống sông, nên nán lại đôi chút để chắc chắn rằng cá không bị mắc kẹt ở nơi nước nông hay vướng vào rác.

hotline
BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT MÂM CÚNG TRỌN GÓI Freeship Tp.HCM - Bình Dương - Đồng Nai